Dư âm Cởi_Mở

Cho dù sau khi chính quyền không còn ủng hộ chính sách Cởi Mở nữa, dư âm của thời kỳ tự do tư tưởng, văn học và nghệ thuật vẫn còn lôi kéo nhiều thành phần xã hội.[21].

Trước hết, từ bình diện ý thức và quan niệm nghệ thuật. Từ đầu thập kỉ 90 đã có những biến đổi quan trọng theo hướng dân chủ hóa và tư duy đối thoại về vai trò, vị trí và chức năng của văn học, nhà văn và quan niệm về hiện thực xã hội.

Về vai trò của văn học, ở giai đoạn trước, do sự chi phối của chiến tranh văn học được nhìn nhận như là vũ khí tư tưởng, tự nguyện coi nhiệm vụ truyên truyền, cổ vũ và khẳng định, ngợi ca cuộc kháng chiến như một sứ mệnh thiêng liêng thì giờ đây, vai trò cơ bản đó vẫn được duy trì, thực hiện nhưng nó được coi trọng hơn ở nhiệm vụ khám phá thực tại, ý thức sâu hơn về sự thật và ngoài ra, trong nền kinh tế thị trường, cái nhìn về văn học cũng thoáng đãng và cởi mở hơn, còn đóng vai trò của một thứ hàng hoá đặc biệt, công việc viết văn, làm thơ xét cho cùng, cũng bình thường như mọi thứ công việc khác, thậm chí là một thứ “ trò chơi” tinh thần vô vụ lợi, để thưởng thức và cũng là để giải trí. Quan niệm về kiểu nhà văn vì thế cũng có sự điều chỉnh. Trước đây, do yêu cầu của những nhiệm vụ nặng nề chúng ta đã đề cao các chức năng nhận thức và giáo dục, mỗi nhà văn là một “ chiến sĩ” trên “ mặt trận” văn hóa làm nhiệm vụ diễn đạt tiếng nói chung của dân tộc, thời đại và cộng đồng thì giờ đây ta coi trọng hơn cái khía cạnh văn học như một phát ngôn của người nghệ sĩ và là tiếng nói của cá nhân, là sự can dự của người trí thức vào thời đại mình nhằm làm phong phú và giàu có hơn cho đời sống tinh thần và tư tưởng của xã hội. Không dừng lại ở đó, nếu trước đây hiện thực chiến tranh có thể yêu cầu “ vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy”, thậm chí với một sứ mệnh hệ trọng hơn thì giờ đây, cuộc sống đòi hỏi mỗi nhà văn cần phải nỗ lực học hỏi và phấn đấu để là một nhà tư tưởng trong công việc sáng tạo. Anh ta đâu còn (mà cũng không thể) đóng vai trò là người “ biết tuốt” để chỉ soi sáng nhận thức, trí tuệ cho công chúng mà còn phải là người tham gia cùng người đọc bàn bạc, đối thoại về mọi vấn đề của thời đại. Tinh thần dân chủ và tư duy đối thoại nói trên một khi đã tác động vào ý thức và quan niệm của người cầm bút thì cũng đồng thời cũng tác động mạnh mẽ thậm chí là một yếu tố kích thích mạnh mẽ khiến người cầm bút tự thấy cần thiết phải thay đổi tư duy trên bình diện sáng tác. Sự thay đổi nói trên nhìn ở bình diện vĩ mô sẽ thấy nền văn học chuyển mạnh từ khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn sang khuynh hướng thế sự và đời tư; nhìn ở góc độ vi mô là sự phá vỡ tính đơn giọng cho sự thâm nhập của tính đa giọng, đa thanh; là sự phá vỡ kiểu tư duy độc thoại để nhường chỗ cho kiểu tư duy đối thoại trong ý thức của người sáng tạo[4].

Tinh thần dân chủ và tư duy đối thoại cũng đóng một vai trò quan trọng đối với việc lý giải nghệ thuật. Biểu hiện rõ rệt nhất của nó trong lĩnh vực lý giải nghệ thuật là ở các khía cạnh sau đây:

  1. Vẫn coi trọng phản ánh luận và mỹ học hiện thực XHCN nhưng đó không còn là thước đo duy nhất những sản phẩm sáng tạo.
  2. Tiếp nhận và vận dụng các thành tựu nghiên cứu lý thuyết của nhân loại trên tinh thần chủ động, sáng tạo song hành với thái độ chống sùng ngoại, học đòi và dập khuôn, bắt chước.
  3. Bênh vực những tìm tòi táo bạo, mới mẻ, tôn trọng những khác biệt và chống bệnh độc quyền chân lý trong thẩm định.

Ba xu hướng nói trên đã đem lại một khởi sắc mới trong lĩnh vực lý luận và phê bình văn học-nghệ thuật và trên thực tế đã và đang xóa bỏ dần tính công thức đã trở nên xơ cứng, đơn điệu trong lĩnh vực lý giải nghệ thuật[4].

Về mặt chính sách, ngày 16/6/2008, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra Nghị quyết 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Trong đó nhấn mạnh:

"Phải xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam một cách toàn diện cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu loại hình, có các thế hệ nối tiếp nhau vững chắc, có tình yêu Tổ quốc nồng nàn, gắn bó sâu sắc với nhân dân, với sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo, có năng lực sáng tạo phong phú, đa dạng, đoàn kết, gắn bó cùng phát triển trong cộng đồng các dân tộc anh em trên đất nước ta...Tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc. Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ, người chiến sĩ xây dựng và phát triển nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần phát huy lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao trách nhiệm công dân, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc"[22]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cởi_Mở http://www.viet-studies.info/NhaVanDoiMoi.htm http://www.viet-studies.info/NhaVanDoiMoi/PheBinh_... http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=116... http://www.tienve.org/home/activities/viewTopics.d... http://www.tudotgvn.org/TinTuc/May02/NguyenHo02May... http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p75/c152/n19... http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin... http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin... http://nguvan.hnue.edu.vn/Nghiencuu/VanhocVietNamh... http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?op...